QUY ĐỊNH
KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
NGÀNH, NGHỀ: TIẾNG HÀN QUỐC
A – TRÌNH ĐỘ: CAO ĐẲNG
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Tiếng Hàn Quốc trình độ cao đẳng là ngành, nghề đào tạo nhân lực thành thạo các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết gắn với các lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp như trợ lý, hành chính – văn thư, biên dịch, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Các công việc chủ yếu của nghề được thực hiện tại các bộ phận của tổ chức hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng Tiếng Hàn Quốc. Người hành nghề chịu cường độ làm việc cao, chịu áp lực lớn về thời gian và yêu cầu đảm bảo tiến độ công việc.
Để hành nghề, người lao động phải có sức khỏe tốt, có ngoại hình phù hợp, đạo đức nghề nghiệp tốt, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập, mở rộng kiến thức xã hội, rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng, xây dựng ý thức nghề và say mê nghề.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.500 giờ (tương đương 90 tín chỉ).
2. Kiến thức
– Trình bày được các quy định cơ bản, cần thiết về tính đặc thù của ngành, nghề khi làm việc với đối tác là người nước ngoài, đảm bảo không gây ảnh hưởng phương hại đến bí mật, lợi ích và an ninh quốc gia;
– Trình bày được các nguyên tắc về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ, văn bản tiếng Việt;
– Tổng hợp được từ vựng, lối diễn đạt, cấu trúc ngữ pháp Tiếng Hàn Quốc ở trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Trình bày được các kiến thức cơ bản về văn hóa, xã hội Hàn Quốc;
– Phân tích được các công việc liên quan tới công tác hành chính – văn phòng, các quy trình tiếp khách, tiếp xúc với khách hàng, dịch thuật các văn bản, tài liệu, quy trình hỗ trợ các phòng ban;
– Trình bày lưu loát những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày trong môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu;
– Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
3. Kỹ năng
– Sắp xếp được các cuộc hội thảo, tọa đàm, lịch làm việc theo yêu cầu của đối tác hai bên;
– Hỗ trợ được các thành viên trong nhóm hay bộ phận thực hiện mục tiêu đã đề ra trong cơ quan, doanh nghiệp;
– Viết, thuyết trình thành thạo; thảo luận và làm chủ tình huống trong công việc trợ lý, hành chính – văn thư và biên phiên dịch có sử dụng Tiếng Hàn Quốc;
– Phát âm chuẩn, trôi chảy, có tốc độ phù hợp, đúng trọng âm, ngữ điệu;
– Sử dụng được các quy tắc nối âm, biến âm, đồng hóa âm trong Tiếng Hàn Quốc một cách thành thạo trong xử lý công việc;
– Diễn đạt trôi chảy các ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân;
– Sử dụng được linh hoạt, đúng các từ vựng, lối diễn đạt, ngữ pháp, cấu trúc câu thường dùng trong giao tiếp;
– Giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ trong các cuộc trao đổi, hội họp, sự kiện, phiên dịch;
– Diễn đạt mạch lạc, đầy đủ các ý chính của một đoạn văn, chủ đề quen thuộc hàng ngày hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề liên quan đến công tác trợ lý, hành chính – văn phòng;
– Viết được các văn bản, tài liệu rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau;
– Diễn đạt được trôi chảy, rõ ràng những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình bằng tiếng Hàn Quốc;
– Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;
– Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.
4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
– Có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, cần cù, chịu khó và sáng tạo trong công việc;
– Làm việc khoa học, có tính tổ chức kỷ luật;
– Chấp hành tốt các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước, không gây ảnh hưởng phương hại đến bí mật, lợi ích và an ninh quốc gia;
– Có ý thức trách nhiệm trong công việc, chịu trách nhiệm với kết quả công việc của bản thân và nhóm trước lãnh đạo cơ quan và tổ chức;
– Có trách nhiệm công dân, luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ;
– Có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi;
– Có ý thức tự nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao trình độ;
– Có khả năng giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện thay đổi;
– Đánh giá được kết quả làm việc của cá nhân và của các thành viên trong nhóm.
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
– Trợ lý Tiếng Hàn Quốc;
– Hành chính văn thư sử dụng Tiếng Hàn Quốc;
– Biên phiên dịch Tiếng Hàn Quốc.
6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
– Khối lượng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Tiếng Hàn Quốc, trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;
– Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành, nghề hoặc trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo./.
B – TRÌNH ĐỘ: TRUNG CẤP
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Tiếng Hàn Quốc trình độ trung cấp là ngành, nghề đào tạo nhân lực sử dụng được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết gắn với các lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp như trợ lý, hành chính – văn thư, biên dịch, đáp ứng yêu cầu bậc 4 trong Khung trình độ quốc gia của Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội việc làm tại các bộ phận của tổ chức hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng Tiếng Hàn Quốc. Người hành nghề chịu cường độ làm việc cao, chịu áp lực về thời gian và yêu cầu đảm bảo tiến độ.
Để hành nghề, người lao động làm việc ở vị trí này phải có sức khỏe tốt, có ngoại hình phù hợp, đạo đức nghề nghiệp tốt, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập, mở rộng kiến thức xã hội, rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết rõ ràng, xây dựng ý thức nghề và say mê nghề.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 1.700 giờ (tương đương 60 tín chỉ).
2. Kiến thức
– Trình bày được các quy định cơ bản, cần thiết về tính đặc thù của ngành, nghề khi làm việc với đối tác là người nước ngoài, đảm bảo không gây ảnh hưởng phương hại đến bí mật, lợi ích và an ninh quốc gia;
– Trình bày được các quy tắc giao tiếp ứng xử trong môi trường hội nhập quốc tế;
– Liệt kê được các nhiệm vụ và trách nhiệm của bản thân khi làm việc nhóm;
– Trình bày được các nguyên tắc về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ, văn bản tiếng Việt;
– Trình bày được từ vựng, lối diễn đạt, cấu trúc ngữ pháp Tiếng Hàn Quốc ở trình độ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Nêu được các kiến thức văn hóa, xã hội Hàn Quốc;
– Trình bày được các công việc hành chính – văn phòng, các quy trình tiếp khách, tiếp xúc với khách hàng, dịch thuật các văn bản, tài liệu, quy trình hỗ trợ các phòng ban;
– Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
3. Kỹ năng
– Sắp xếp được một số tọa đàm, hội thảo, lịch làm việc theo yêu cầu của đối tác hai bên;
– Hỗ trợ được các thành viên trong nhóm hay bộ phận thực hiện mục tiêu đã đề ra trong cơ quan, doanh nghiệp;
– Viết và thuyết trình, thảo luận và làm chủ tình huống một cách tự tin khi được giao công việc trợ lý, hành chính – văn thư và biên phiên dịch có sử dụng Tiếng Hàn Quốc;
– Phát âm chuẩn, trôi chảy, có tốc độ phù hợp, đúng trọng âm, ngữ điệu; sử dụng được các quy tắc nối âm, biến âm và đồng hóa âm trong tiếng Hàn Quốc khi làm việc;
– Sử dụng được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Hàn Quốc trong giao tiếp đáp ứng yêu cầu trình độ 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Sử dụng được từ vựng, lối diễn đạt, ngữ pháp, cấu trúc câu thường được dùng trong giao tiếp cơ bản;
– Giao tiếp và phiên dịch được các nội dung công việc, các cuộc trao đổi, hội họp, sự kiện, tham quan;
– Xác định đúng được các loại văn bản, tài liệu liên quan đến công việc, các dạng văn nói, văn viết;
– Diễn đạt cơ bản các ý chính của một đoạn văn, chủ đề quen thuộc hàng ngày hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề liên quan đến công tác trợ lý, hành chính – văn phòng;
– Viết được các đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm;
– Diễn đạt được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình bằng tiếng Hàn Quốc;
– Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;
– Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 1/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.
4. Mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm
– Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc, một số vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi;
– Chấp hành tốt các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước, không gây ảnh hưởng phương hại đến bí mật, lợi ích và an ninh quốc gia;
– Có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, cần cù, chịu khó và sáng tạo trong công việc;
– Có ý thức trách nhiệm trong công việc; có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi;
– Thích nghi được với môi trường làm việc khác nhau;
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
– Trợ lý Tiếng Hàn Quốc;
– Hành chính văn thư sử dụng Tiếng Hàn Quốc;
– Biên phiên dịch Tiếng Hàn Quốc.
6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
– Khối lượng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Tiếng Hàn Quốc, trình độ trung cấp có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;
– Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành, nghề hoặc trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo./.