Góc sân và khoảng trời của tôi

Góc sân và khoảng trời của tôi

Nhà thơ Trần Đăng khoa Thứ hai, ngày 30/01/2023 06:30 AM (GMT+7)
Nhà của những gia đình nông dân đồng bằng Bắc Bộ thường rất giống nhau.
Dù tường đất mái gianh, hay tường xây mái ngói, hoặc nhà bê tông mái bằng thì cũng thường chỉ có ba gian. Ca dao xưa: Ba gian nhà rạ lòa xòa. Rồi thơ Nguyễn Bính: Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều. Và tôi viết thuở bé: Ba gian nhà nhỏ – Đầy tiếng võng kêu…

Căn nhà của gia đình tôi thuở xưa là nhà ba gian mái rạ. Nó cũng hao hao như nhà anh Pha, chị Dậu. Năm 1972, bố mẹ tôi mới dựng được thành nhà ngói ba gian. Căn nhà không có móng, chỉ xây bằng mỗi một bao xi măng trộn với vôi cát. Vậy mà không hiểu sao, nó vẫn tồn tại được đến bây giờ.

***

Ngày xưa, khi tôi còn là một cậu bé, những ngày cuối năm áp Tết rậm rịch lắm. Cả nhà chuẩn bị lá dong, gạo nếp trước đó đến mấy ngày. Rồi gói bánh, luộc bánh, thức suốt đêm, chờ ăn miếng bánh chưng đầu tiên. Giây phút ấy sướng lắm. Người bận nhất nhà vào dịp Tết là mẹ tôi. Ngày cuối năm, chiều 29 Tết, mẹ tôi thường pha một thùng nước vôi, buộc ngọn chổi rơm gọn lại, rồi bảo tôi ra quét vào các gốc cây. Tôi rất ngạc nhiên. Mẹ tôi bảo: “Để sắm áo mới cho cây cối. Ngày Tết, mình có áo mới, thì cây cối nó cũng phải được mặc áo mới chứ!”. Thế là tôi ra vườn, lọ mọ quét nước vôi lên từng gốc cây. Cây bưởi. Cây dừa. Cây cau. Cây na. Cây mít… Sáng mồng 1, đúng là ngày đầu năm mới, nước vôi đã khô, cả khu vườn nhà tôi sáng rực lên, tưng bừng trong màu trắng đồng phục của cây cối.

Tháng 7/1989, Trần Đăng Khoa từ Liên Xô về thăm bố mẹ. Ảnh: Dương Minh Long

Bữa cỗ Tân xuân, mẹ tôi cũng lại xẻ th ức ăn ra, chia làm nhiều phần, phần nào cũng có đầy đủ các món, xôi, chè, thịt, miến, dưa hành… rồi bảo tôi cho gà, lợn, chó, mèo cùng ăn. Người ăn món gì thì những con vật nuôi trong nhà cũng được ăn những món ấy. Mẹ tôi bảo: “Mình có Tết, chúng nó cũng phải có Tết chứ !”. Một tối, mẹ tôi bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to ngọn đèn, để cây trầu nhận ra chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái, phải nói : “Trẩu trẩu trầu trầu. Mày làm chúa tao. Tao làm chúa mày. Tao không hái ngày. Thì tao hái đêm. Tỉnh dậy cho tao hái”. Mẹ tôi bảo, ngày xưa, mẹ tôi hái trầu đêm, bà tôi cũng dặn thế. Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi. Tôi chẳng biết đấy có phải là câu ca dao không, hay chỉ là mấy câu vè mẹ tôi chợt nghĩ ra để dạy tôi. Tôi không chỉ nhắc lại mẹ dạy, mà còn “nới thêm” bằng chính lời của mình: “Đã ngủ rồi hả trầu? Tao đã đi ngủ đâu. Mà trầu mày đã ngủ. Bà tao vừa đến đó. Muốn xin mấy lá trầu. Tao không phải ai đâu. Đánh thức mày để hái. Trầu ơi hãy tỉnh lại. Mở mắt xanh ra nào…”.

Khi bà ngoại tôi mất, mẹ tôi xé chiếc khăn tang ra thành hàng trăm mảnh nhỏ: “Con hãy ra đeo tang cho cây cối đi, không cây nó buồn, nó chết đấy. Bà mất rồi. Con thấy cây cối nó có buồn không?”. Thế là tôi lại ra vườn, lụi cụi đeo tang cho từng cây trầu, cây cau, cây na… Cả khu vườn nhà tôi trắng xóa màu tang. Trong mắt tôi, cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo cũng có niềm vui, nỗi buồn như những con người. Tình cảm ấy, tôi tiếp nhận được từ mẹ. Tiếp nhận rất tự nhiên và nói ra trong những bài thơ đầu đời của mình cũng rất tự nhiên. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không biết đó là thủ pháp nhân hóa ở trong nghệ thuật.

Trần Đăng Khoa cùng mẹ và em gái năm 1968. Ảnh: T.L.G.Đ

Mẹ tôi không biết gì về nghệ thuật. Bà cũng không có ý định dạy tôi làm nghệ thuật. Bà càng không muốn tôi đi theo nghiệp chữ nghĩa. Vì theo bà, cái nghề ấy nó bạc. Đã nghèo lại cứ hay nói xấu nhau, mắng nhiếc nhau. Bà chưa từng được cắp sách đến lớp ngày nào. Bà chỉ muốn tôi thành một người tử tế. Đơn giản thế thôi. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu mẹ tôi. Đó là khi các anh chị tôi có con. Mẹ tôi dặn: “Chúng mày phải dạy trẻ con yêu thiên nhiên, yêu cây cối và các con vật trong nhà. Một đứa trẻ bẻ ngọn cây non mới trồng, bắn chết con chim đang bay, hay phang gãy chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, chúng nó cũng sẽ làm điều ác đối với con người…”. Bà còn dặn: “Chúng mày phải để ý đến đứa con đầu. Đứa đầu mà tử tế, thì những đứa sau cũng sẽ tử tế…”.

Mấy chục năm qua rồi, bây giờ tôi cũng đã già, già như mẹ tôi ngày xưa. Những bài học đầu đời của mẹ cùng căn nhà “chị Dậu” của tôi ở quê vẫn là cái nôi ấm cúng nhất, bình yên nhất của cuộc đời tôi.

Các giáo sư, giảng viên Trường Đại học Sư phạm I về thăm nhà Trần Đăng Khoa, căn nhà mái gianh tháng 8/1972. Ảnh: Tư liệu

Mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố. Anh ruột tôi thì từ năm 1962, khi tôi 4 tuổi, ông đã chuyển về ở thành phố mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh, em gái tôi và các cháu chắt của bố mẹ tôi cũng theo nhau về thành phố. Bố mẹ tôi vẫn ở quê trong căn nhà xưa. Con cháu chèo kéo thế nào, cụ cũng không rời quê. Cụ bảo: “Tao sinh ra ở đây, thì sống ở đây và chết ở đây thôi. Tao không thể bỏ chó mèo và cây vườn mà đi được…”. Chúng tôi không thể ở quê được, nên bà chị tôi phải trụ lại quê để thay mấy anh em chăm sóc bố mẹ già.

Bố mẹ tôi khi ở tuổi 90 – 100, nhưng huyết áp lúc nào đo cũng 120/80, còn ổn định hơn cả các con, các cháu. Có lẽ cụ khỏe vì ít ăn thịt, mâm cơm xanh lè toàn rau quả vườn nhà. Những năm bao cấp, nhà tôi quanh năm đói. Sau này khá hơn, con cháu có của ăn của để, nhiều đứa đề huề, giàu có, về thăm, biếu cụ tiền, ít – dăm ba trăm thì cụ nhận, nhưng chẳng tiêu một đồng nào, cứ tích cóp lại, cho các cháu ở làng vay, rồi chuyển thành vàng, cho hết cháu chắt nội ngoại. Có lẽ cụ khỏe, sống thọ, nhờ ăn uống khem khổ, lại ăn cũng chỉ vừa đủ, không có bữa nào cụ ăn đến no bụng. Cụ bảo: “Ăn no khổ lắm. Bụng ấm ách khó chịu, đêm lại không ngủ được”.

Cụ vẫn sống như thời chị Dậu, anh Pha. Ai bất chợt ghé thăm gia đình tôi ở quê, chứng kiến mẹ tôi sống, sẽ kết tội tôi với ông anh cả tôi tệ bạc với mẹ. Các con đứa nào cũng nhà cao cửa rộng ở thành phố mà đọa đầy mẹ như vậy. Trông bộ ấm chén uống nước hàng ngày cũng đã kinh. Sứt vòi, mẻ miệng, mỗi cái một kích cỡ. Cóc cáy, nhếch nhác. Bác Minh đã thay cho bà bộ ấm chén Nhật, bát đĩa gốm sứ Minh Long, cả cái mâm nhôm sáng loáng. Mâm bà dùng là mâm gỗ sứt sẹo được chia từ hồi cải cách ruộng đất. Bác Minh và tôi vứt hết ra bờ tre. Nhưng khi con cháu đi rồi, bà cất hết bát đũa, ấm chén, mâm chậu sắm mới vào tủ, rồi ra bờ tre nhặt lại những vật dụng cũ về dùng. Đối với bà, đấy không phải những vật dụng vô tri vô giác, chúng là bầu bạn thủy chung, gắn bó với bà từ thời đói khổ. Bây giờ khá giả rồi, thì lại “có mới nới cũ”, hất chúng ra ngoài bờ rào. Con người tệ bạc, bất nhẫn hơn cả đồ vật. Bà khóc. Rồi bà lụi cụi ra bờ tre, bờ rào đón hết chúng về.

Từ chiều 23 Tết năm 2020, mẹ tôi đã nói với bác Minh: “Vài hôm nữa, tao sẽ đi đấy!”. Mẹ tôi thông báo những ai nợ bà từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí đến cả 100 triệu. Bà bảo: “Thôi, tao xóa hết nợ cho họ rồi, họ có gì đâu mà trả. Đến tiền mua rau ăn còn chẳng có thì có tiền đâu mà trả nợ. Chúng mày nói với họ thế và sau này, không được kể công, cũng không được nhắc đến các khoản nợ đó để làm cho họ khổ tâm”… Tôi cười xuế xóa: “U không chết được đâu. U phải sống 10 năm nữa”. “Không! Tao chỉ cố gắng để anh em chúng mày không mất Tết thôi. Đi ngày nào, u sẽ chọn…”.

Ngày 10 Tết, bà thấy đau người, bảo cô Giang nấu cháo và gọi bác Minh và tôi về. Bà bảo cô Bình chuyển bà vào nằm ở gian trong, cái gian hẹp, có cửa vào gian bếp. Bố tôi đã trút hơi thở cuối cùng ở gian đó, cách đấy 8 năm, khi ông ở tuổi 93. Mẹ tôi còn dặn: “Khi u mất, các con đốt cái giường đơn mẹ nằm này đi, giữ lại cái giường đôi ở gian ngoài cho u. Cái giường ấy nó “sống” với tao đã mấy chục năm rồi đấy”. Rồi mẹ tôi còn dặn: “Khi u chết thì cứ lặng lẽ đưa u đi thôi. Cũng đừng có hoa hoét gì nhé. Nhiều hoa, dân làng người ta ghét cho đấy. Còn mọi người, ai biết thì đến, đừng báo cho ai cả, nếu có ai phúng thì các con ghi lại, chép ra làm mấy bản, mỗi đứa giữ một bản, rồi khi họ ốm đau, hiếu hỉ, mình đến trả nghĩa, nhớ phải cao hơn hoặc chí ít cũng bằng họ chứ không được thấp hơn tấm lòng họ đối với mình…”.

Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng vào 8 giờ 43 phút ngày 13 Tết năm 2020, thọ 102 tuổi, đúng vào ngày Hợp tế của dòng họ Trần Điền Trì 13 tháng Giêng, ngày hàng năm con cháu vẫn về.

***

Hồi mẹ còn sống, Tháng nào tôi cũng về, rồi Tết nào cũng về. Có lần, chiều 29 Tết tôi về, thấy cây cối trong khu vườn nhà tôi đã trắng xóa một màu đồng phục Tết như năm nảo năm nào. Tôi ngạc nhiên quá, vì nhà tôi không còn trẻ con nữa. Mẹ tôi cười: “Mẹ quét hôm qua đấy. Quét thế cho cái vườn nó ấm. Như các con vẫn còn bé tí, vẫn lăng xăng ríu rít ở nhà”.

Tết năm nay, tôi cũng lại về quê. Căn nhà xưa giờ khang trang hơn, đã thành nơi thờ cúng ông bà. Chúng tôi khôi phục lại căn bếp xưa và xây thêm mấy gian mới là nơi con cháu về ở. Cây cối trong khu vườn xưa lại trắng xóa màu “đồng phục Tết”. Chị tôi đã quét vôi từ mấy hôm trước. Khu nhà vẫn ấm cúng. Ngỡ như bố mẹ tôi vừa chạy qua nhà hàng xóm chúc Tết. Ông bà đâu có đi xa…

Nguồn: Theo Dân việt

Comments (0)
Add Comment