Giáo dục nghề nghiệp: Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động

“Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại

Về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nêu các kết quả cụ thể, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011 – 2020 đạt 19,67 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%); số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%.

Năm 2021 và 2022 mỗi năm tuyển sinh GDNN khoảng 2 triệu người.

Giai đoạn 2016 – 2020, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học GDNN được 980.620 học sinh. Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống GDNN đều có tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp, ngoài ra có một số học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng.

Đáng chú ý, các bậc trình độ đào tạo GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống GDNN các nước trên thế giới.

Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ban hành khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó GDNN có 5 bậc (từ bậc 1-5), bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học tập suốt đời.

Khung trình độ quốc gia đã tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Khung trình độ châu Âu (EQF), do đó sẽ tạo điều kiện cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo GDNN tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; một bộ phận nhà giáo dạy các nghề trọng điểm trình độ quốc tế được đào tạo kỹ năng tại nước ngoài. Đã hình thành được mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm GDNN cho đội ngũ nhà giáo.

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và chương trình đào tạo; một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ sở GDNN và doanh nghiệp: Có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng

Cho biết về kiểm định chất lượng; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đến nay đã hình thành hệ thống kiểm định chất lượng độc lập.

Các hoạt động về kiểm định chất lượng GDNN dần đi vào ổn định. Song song với hoạt động tự kiểm định của các cơ sở GDNN đã tổ chức kiểm định bên ngoài (đánh giá ngoài) đối với các cơ sở GDNN và kiểm định chương trình đào tạo đối với một số nghề.

Đã thực hiện một số chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng GDNN theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ chức xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; hình thành hệ thống các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đầu tư xây dựng các ngành, nghề trọng điểm ở cơ sở GDNN.

Bước đầu nghiên cứu khung công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN và thế giới để tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ, thúc đẩy phát triển kỹ năng, di chuyển lao động và học sinh, sinh viên.

Có thể nói, chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Kỹ năng nghề của người học được tăng cường. Khoảng trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70% – 75% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo; một số cơ sở GDNN có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100% và 85- 90% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.

Đặc biệt, sự gắn kết với doanh nghiệp và thị trường lao động chuyển biến tích cực, nhìn nhận của doanh nghiệp về GDNN có thay đổi trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ sở GDNN.

Cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, nhiều cơ sở GDNN đã thành lập bộ phận chuyên trách về gắn kết doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN

Về công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN thực hiện trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ cho biết, mạng lưới cơ sở GDNN tính đến tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở GDNN gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm GDNN.

Trong đó có 1.205 cơ sở GDNN công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm GDNN. Số cơ sở GDNN công lập chiếm 64%, cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở GDNN thuộc các bộ, ngành trung ương chiếm 25%, cơ sở GDNN thuộc địa phương chiếm 75%.

Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN, thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014 của Chính phủ về việc sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện thành một đơn vị, đến nay, cả nước đã có 538 huyện của 54 tỉnh sáp nhập trung tâm dạy nghề với các trung tâm công lập cấp huyện thành trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên (giảm 575 trung tâm công lập cấp huyện). Từ năm 2017 đến nay, cả nước đã giảm được 287 cơ sở GDNN công lập (giảm 23% số cơ sở).

Về cơ chế tự chủ cho cơ sở GDNN, đến nay quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao. Các cơ sở được tự chủ hoàn toàn trong việc phát triển chương trình đào tạo căn cứ chuẩn đầu ra, được đào tạo văn hóa trong cơ sở GDNN, được đào tạo chương trình chất lượng cao và được xác định học phí tương xứng chi phí đào tạo chương trình chất lượng cao, được liên kết đào tạo với doanh nghiệp…

Cơ chế tài chính cho GDNN cũng từng bước được bổ sung, hoàn thiện; đã thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho một số trường cao đẳng nghề, làm cơ sở để hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ trong các cơ sở GDNN.

Tuy đạt được nhiều kết quả mạnh mẽ, mạng lưới cơ sở GDNN tuy đã phát triển, nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vẫn còn một số bất cập, như: Chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị; Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; Mạng lưới cơ sở GDNN bước đầu đã được các bộ, ngành, địa phương rà soát theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP tuy nhiên vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo…

Vì thế, để giải quyết các khó khăn còn tồn tại trên, thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, gồm: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

Đồng thời, cũng tiếp tục rà soát, sắp xếp để quy hoạch, phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở GDNN theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng;

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN công lập nhằm giảm mạnh đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ;

Tiếp tục thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội.

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính của nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Các nội dung chất vấn gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Bên cạnh đó là thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Nội vụ.

Theo Tổng cục GDNN

Comments (0)
Add Comment