“Ngành LĐ-TB&XH tự hào, tự tin tiếp bước chặng đường mới”

(Dân trí) – Tổng kết năm 2024, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là hội nghị đặc biệt ý nghĩa của ngành. 80 năm, 4 lần đổi tên, với 24 đời Bộ trưởng là dòng chảy lịch sử đầy tự hào.

Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. 

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Bộ LĐ-TB&XH công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Thanh tra Bộ.

Các đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH nhận cờ thi đua trong năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng cờ thi đua xuất sắc với 26 đơn vị trong ngành và bằng khen cho 16 đơn vị trong ngành.

Tổng Biên tập báo Dân trí, nhà báo Phạm Tuấn Anh, nhận cờ thi đua của Bộ trưởng (Ảnh: Mạnh Quân).

Báo Dân trí là 1 trong các đơn vị của Bộ nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tiếp tục dòng chảy, lan tỏa tiếng thơm của ngành LĐ-TB&XH 80 năm qua

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị với tư cách Bộ trưởng thứ 24 của ngành LĐ-TB&XH (Ảnh: Mạnh Quân).

Đáp lại những chia sẻ của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của ngành có bề dày lịch sử, ý nghĩa với tiến trình xây dựng đất nước. 

Bộ trưởng khái quát, nhìn lại năm 2024 và chặng đường gần 79 năm qua, ngành LĐ-TB&XH, đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng. 

Ngành ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình, gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay đó là cả dòng chảy.

“Qua 4 lần đổi tên, với 24 đời Bộ trưởng, Bộ LĐ-TB&XH đã có 2 lãnh đạo Bộ phát triển, trở thành Chủ tịch Quốc hội sau này, là Chủ tịch đầu tiên Nguyễn Văn Tố, và Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tôi là Bộ trưởng thứ 24, và có lẽ là Bộ trưởng sau cùng của Bộ LĐ-TB&XH trong giai đoạn này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử đó có đóng góp rất quan trọng của ngành LĐ-TB&XH. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH thông tin về hướng sắp xếp, chuyển giao các nhiệm vụ của Bộ trong giai đoạn mới (Ảnh: Mạnh Quân).

Nói về những thay đổi, đóng góp của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng nhận định, Bộ LĐ-TB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Những kết quả này không chỉ lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.

Theo Bộ trưởng, những công việc mà ngành đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế. Những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”.

Bộ trưởng khẳng định niềm tự hào vì vì nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế ghi nhận, như các lãnh đạo chủ chốt của nhà nước nhận xét, những vấn đề văn bản của ngành có tính chất dấu ấn lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển chính sách xã hội của Việt Nam.

Tháng 10, tại hội nghị G7, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam là lãnh đạo duy nhất trong số các nước châu Á được mời dự, báo cáo về công tác chăm sóc người yếu thế.

Hội nghị G20 tại Brazil vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới.

Nguồn: dantri.com.vn

Leave Comments

0376 149 655
0376149655